Khoai môn là một loại thực phẩm rất phổ biến của các dân tộc ven Thái Bình Dương. Tại Hawaii, khoai môn là một loại thực phẩm “tâm linh”. Khoai môn dùng thêm trong bữa ăn càng làm tăng thêm giá trị dinh dưỡng. Ở miệt vườn, khoai môn thường dùng để thay thế khoai tây trong những món cà ri, ragu…
Cũng như những loại rau củ khác, khoai môn rất tốt cho người đang kiêng chất béo. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một chén khoai môn luộc 132 g cung cấp 187 calorie và chỉ chứa lượng chất béo khoảng 0,1 g.
Đặc tính “ăn tiền” của khoai môn là giàu chất xơ. Cũng theo USDA, cứ một chén khoai môn luộc 132 g sẽ cung cấp 7 g chất xơ (chiếm 27% lượng chất xơ được đề nghị cho cơ thể hằng ngày). Chất xơ rất có lợi cho cơ thể vì “hành hiệp” theo thế “song cước”: Hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm cholesterol.
Bản thân khoai môn cũng không chứa cholesterol, hàm lượng sodium thấp nhưng lại giàu vitamin, đặc biệt là những loại vitamin quan trọng mà cơ thể cần. Một chén khoai môn 132 g chứa khoảng 11% lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Vitamin C là một chất kháng ôxy hóa (antioxidant) rất quan trọng cho hệ “phòng thủ” của cơ thể. Khoai môn cũng chứa nhiều loại vitamin khác như E, B6…
Ngoài vitamin, chất xơ…, khoai môn còn chứa rất nhiều khoáng chất như magnesium, phosphorus, potassium (kali). Potassium rất quan trọng cho sự điều hòa chức năng tim và huyết áp. Magnesium thì giúp chuyển hóa mỡ, chất béo, protein và tăng cường miễn dịch. Magnesium cũng rất cần thiết cho những hoạt động chức năng tế bào.
Theo DS: Nguyễn Bá Huy Cường (Người Lao Động)